Có thể nói, kiến thức khoa học mà các giáo sư đã truyền đạt cho các KTS trong khóa đào tạo ThS.KTS đầu tiên của chúng ta là vô giá. Như các thầy đã nói với chúng ta “ThS.KTS chỉ là chức danh và mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình nghiên cứu khoa học”. Nói như thế là cách nói khiêm tốn của những người làm công tác khoa học và anh chị em biết là khó khăn và phấn đấu như thế nào, chúng ta mới có kết quả như ngày hôm nay! Ít nhất là chúng ta phải vượt qua bước khởi đầu và chúng ta phải có trách nhiệm với chức danh mà chúng ta đã có. Giải quyết được vấn đề khoa học sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội.
Chào mừng bạn đến với The Master's Architecture Vung Tau (course 2007-2010)

29/8/13

Công bố Quyết định công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại I thuộc tỉnh.

Sáng 24-8, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP. Vũng Tàu đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2013) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Tôi tin rằng, TP. Vũng Tàu sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước; là nơi đáng đến, đáng ở và hạnh phúc"
Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
Đến dự lễ có các ông: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Khải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Minh Sanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân của TP. Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (thứ nhất bên trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho đại diện lãnh đạo TP. Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nói đến sự phát triển của TP. Vũng Tàu những năm qua là nói đến sự kết hợp và phát huy một cách hài hòa những yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Là mảnh đất có khí hậu trong lành, những danh lam thắng cảnh và nguồn tài nguyên phong phú, cùng với những ngành kinh tế truyền thống lâu đời như khai thác hải sản, dịch vụ du lịch... là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của TP. Vũng Tàu. Song, những yếu đó không thể khai thác và phát huy hiệu quả nếu thiếu đi tinh thần đoàn kết và sự năng động, sáng tạo trong lao động của quân và dân TP. Vũng Tàu. Bên cạnh đó là sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh dành cho thành phố, với việc đánh giá cao tiềm năng và thế mạnh của TP. Vũng Tàu trong phát triển kinh tế, đã dành cho TP. Vũng Tàu những cơ hội và điều kiện thuận lợi để khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, TP. Vũng Tàu luôn được coi là trọng điểm cần tập trung quan tâm và đầu tư. Đó là thể sự hiện sự kỳ vọng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mong muốn sự phát triển của TP. Vũng Tàu sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh là điều kiện thuận lợi để TP. Vũng Tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, gắn với việc bảo đảm quốc phòng và an ninh khu vực biên giới và trên biển. Sự kiện này thể hiện sự trân trọng và đánh giá cao của Chính phủ đối với những thành quả lao động sáng tạo, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Vũng Tàu trong nhiều năm qua. Vị thế mới của TP. Vũng Tàu cũng đòi hỏi công tác quản lý đô thị, ứng dụng khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và phát triển môi trường, chăm lo đời sống của người dân phải được nâng lên tầm cao mới. “Tôi tin rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và TP. Vũng Tàu nói riêng sẽ tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn để đưa TP. Vũng Tàu trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là nơi đáng tới, đáng ở và hạnh phúc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

ÔNG LÊ XUÂN TƯƠI, BÍ THƯ THÀNH ỦY VŨNG TÀU:

Xây dựng thành phố xứng đáng tầm vóc đô thị loại I

Hai mươi hai năm qua, kinh tế thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định, là địa phương đứng đầu trong toàn tỉnh về thu nộp ngân sách, góp phần đưa tỉnh nhà đứng vị trí thứ 3 trong toàn quốc về thu nộp ngân sách quốc gia. Vũng Tàu đã trở thành đô thị trung tâm tổng hợp cấp quốc gia về dầu khí, du lịch, cảng biển và là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về GDP. Kinh tế phát triển cũng là cơ sở vững chắc bảo đảm việc cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cũng như chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội, đồng thời giúp thành phố có đủ nguồn lực để tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị, đưa diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Được công nhận là đô thị loại I đã khó, nhưng để xứng đáng với tầm vóc của đô thị loại I trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của vùng Đông Nam bộ và của cả Nam bộ còn là nhiệm vụ khó khăn hơn gấp bội. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Vũng Tàu tin tưởng rằng, với truyền thống và niềm tự hào về những kết quả đạt được, TP. Vũng Tàu sẽ vượt qua mọi thử thách trên con đường xây dựng và phát triển.

* Sau lễ trao quyết định là chương trình nghệ thuật “Vũng Tàu - thành phố bên bờ biển Đông” với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc thể hiện thế mạnh về dầu khí, thủy hải sản, cảng biển, du lịch... trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vũng Tàu và tình yêu đối với biển đảo quê hương, tình yêu của người dân đối với TP. Vũng Tàu.
Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn.
Ngày 12-8-1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã ra Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai để hình thành nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 5 đơn vị hành chính (nay là 8 đơn vị hành chính), trong đó có TP. Vũng Tàu. Ngày 16-9-1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186 công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và xác định Vũng Tàu là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh; có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kể từ khi được công nhận là Đô thị loại II, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Vũng Tàu đã liên tục phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; về xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị. Qua thẩm định hồ sơ của Hội đồng xét duyệt Trung ương, TP. Vũng Tàu đã đạt được tuyệt đại đa số các tiêu chí của một đô thị loại I thuộc tỉnh theo Nghị định số 42 của Chính phủ và Thông tư số 34 của Bộ Xây dựng về phân loại đô thị với tổng số điểm là 91,8 trên 70 điểm tối thiểu. Ngày 23-4-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 612/QĐ-TTg công nhận TP. Vũng Tàu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của miền Đông Nam bộ.


1/4/13

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Vũng Tàu là đô thị loại I

Chiều 30/3 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận Thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng.


Tham dự Hội đồng thẩm định có ông Trần Minh Sanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông Phan Hoà Bình, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các thành viên hội đồng thẩm định đến từ các bộ, ngành TW, các hiệp hội chuyên ngành.

Hội đồng thẩm định đã thông qua chương trình là việc bao gồm: Chiếu phim ngắn giới thiệu về thành phố Vũng Tàu tập trung vào 6 chỉ tiêu quy định trong Nghị định 42 về nâng loại đô thị, trình bày vắn tắt của đại diện UBND thành phố về các nội dung chính của Đề án đề nghị công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I, báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, Phản biện của Vụ Kiến trúc Quy hoạch-Bộ Xây dựng, các đóng góp ý kiến của các thành viên hội đồng và cuối cùng là kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

Trong phần giới thiệu các nội dung của Đề án, ông Phan Hoà Bình, Chủ tịch TP Vũng Tàu đã nêu rõ: Bà Rịa – Vũng tàu là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, với nhiều tiềm năng để phát triển thành các ngành kinh tế biển, đặc biệt là khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, thuỷ hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Bên cạnh đó còn có lợi thế về giao thông liên vùng với quốc tế.

Là một trong 9 đô thị thuộc tỉnh có diện tích đất tự nhiên tương đối lớn 15.001,55ha, mật độ dân số 10.161 người/km2, với tổng thu ngân sách trên địa bàn TP năm 2011 đạt 3.491,000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 121,2 triệu VNĐ/người tương đương vơi 6.060 (USD/người) bằng 5,12 lần so với cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo toàn TP là 5,3 %. Tỷ lệ tăng dân số năm 2011: 3,5%, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,27%.

Ngoài ra với hệ thống hạ tầng đô thị tốt, chỉ tiêu về nhà ở cũng đạt điểm tối đa với diện tích sàn nhà ở bình quân cho khu vực nội thành là 19,94m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố, bán kiên cố cho khu vực nội thành là 96,0%. Tỷ lệ phi nông nghiệp ở các ngành kinh tế khu vực nội thành 194.047 người, số lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành 97,7%.


Đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở bình quân 1,58 m2/ người, đất dân dụng bình quân 57,73 m2/ người. Cơ sở y tế với 01 bệnh viện, 5 trung tâm y tế, 17 trạm y tế phường xã, phòng khám, có tổng số giường bệnh 765 giường, bình quân là 2,0 giường/1000 dân. Về giáo dục đào tạo có 30 cơ sở, 10 trung tâm thể dục thể thao, 16 công trình thương mại.

Đồng thời Vũng Tàu được xác định là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thành đạt 150 lit/ người/ ngày đêm, khu vực nội thành được cấp nước sạch 85,96%, tỷ lệ thất thoát 12,67%, về cây xanh toàn đô thị đạt 16,89 m2 /người. Vấn đề thu gom chất thải rắn là 100% và xử lý 80% . Tuy nhiên cũng còn một số chỉ tiêu chưa đạt, TP Vũng Tàu chưa có nhà tang lễ, hiện vẫn đang triển khai dự án xây dựng nhà tang lễ với diện tích 19,907m2 tại phường 11 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị đã xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, tổng số đường chính khu vực nội thành đạt 74,07%, không gian đô thị như công viên, vườn hoa và khu vui chơi giải trí gồm 07 khu vực. Và các công trình di sản văn hoá, lịch sử kiến trúc tiêu biểu được trùng tu tôn tạo 70%.

Bên cạnh những kết quả đạt được vượt trội so với đô thị loại 1, TP Vũng Tàu cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, KHKT, giáo dục – đào tạo, du lịch dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, và là 1 trong 5 cực phát triển của vùng TP Hồ Chí Minh… Theo đó, tỉnh và TP đang tiếp tục triển khai các dự án như đầu tư phát triển giao thông, xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải dự kiến đến quý 2 năm 2014 sẽ đi vào hoạt động với công suất 22.000m3/ngày đêm. Đồng thời từng bước ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị với tổng nguồn vốn trên 8.000 tỷ đồng.

Qua đó, đại diện các hiệp hội, các bộ,ngành đánh giá cao vai trò vị trí địa lý của TP Vũng Tàu và nhận thấy việc nâng cấp lên đô thị loại Ilà việc cần thiết. Đồng thời còn đưa ra các giải pháp và phương hướng phát triển cho TP, như bằng cách nào để ứng phó với tình hình biến đổi hậu - một trong những việc làm quan trọng đối với khu vực này; từng bước phát triển về hạ tầng kỹ thuật, có công nghệ xử lý rác thải phù hợp, có hệ thống cấp thoát nước hoàn thiện; quan tâm tới công tác quản lý xây dựng, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế biển, cùng nỗ lực xây dựng TP trở thành một đô thị bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng sau 14 năm là đô thị loại II, Vũng Tàu đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư xây dựng để đạt được những thành tựu ấn tượng như hôm nay, trong đó nổi bất nhất là thành công trong công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch, và những kết quả đáng khích lệ từ phát triển Kinh tế xã hội, Quốc phòng an ninh, phát triển du lịch. Thu ngân sách trên 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn thu ngân sách lớn so với các đô thị loại I trong cả nước, một con số ấn tượng với thu nhập bình quân đạt 6.000 USD/người.

Thay mặt Hội đồng, Thứ trưởng khẳng định thực tế đồ án công nhận TP Vũng Tàu lên đô thị loại I đầy đủ với cơ sở pháp lý và phù hợp với các quy hoạch tỉnh, vùng tỉnh, vùng TP Hồ Chí Minh, Chương trình phát triển hệ thống đô thị quốc gia, cũng như chiến lược phát triển KT – XH định hướng chủ trương phù hợp với 6 tiêu chí của NĐ 42 và 49 chỉ tiêu của thông tư 34 .

Chủ tịch hội đồng đã nhất trí với các đánh giá của thành viên hội đồng. Tổng hợp các ý kiến để lãnh đạo tỉnh, thành phố lưu ý tiếp thu triệt để các ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ban, ngành với số điểm trung bình đạt 89,67 điểm.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để đảm bảo chất lượng đô thị sau khi được nâng cấp, UBND tỉnh và TP cần tập trung xây dựng kế hoạch phát triển hoàn thành các chỉ tiêu còn thấp, khắc phục nhữngmục tiêu chưa đạt, tập trung phát triển đô thị nhằm thu hút lực đầu tư, nâng cao đời sống dân sinh, không ngừng tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường đến tất cả người dân vì đây là thành phố biển nên vấn đề biến đổi khí hậu phải được quan tâm và làm sao để xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện khí hâu.

Đồng thời lưu ý về phía tỉnh cũng cần tiếp thu triệt để những ý kiến đóng góp của hội đồng để tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu phát huy hơn nữa những thế mạnh đã đạt được.

Thanh Huyền 

31/10/12

Khai mạc Hội thảo khoa học “Từ xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay”

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu) Mô Xoài xưa là thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh BR-VT hiện nay đã trải qua gần bốn thế kỷ. Hy vọng trên vùng đất lịch sử này sớm dựng lên những công trình tưởng niệm để tri ân những người có công mở đầu sự nghiệp mở cõi phương Nam của tổ tiên. (GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Các nhà khảo cổ tìm kiếm dấu tích của thời tiền - sơ sử trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Minh Tâm

NHÌN LẠI QUÁ KHỨ MÔ XOÀI ĐỂ MỞ RA TƯƠNG LAI GIÀU ĐẸP CHO QUÊ HƯƠNG BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Hôm nay, 30-10-2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo khoa học “Từ xứ Mô Xoài xưa, đến Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay”.

Hơn 80 tham luận đã được gửi đến Ban tổ chức. Nội dung hội thảo tập trung vào vị thế, vai trò của xứ Mô Xoài trong quá trình người Việt mở mang bờ cõi phương Nam cũng như quá trình ra đời, phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 8-2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Bà Rịa, trung tâm Chính trị - Hành chính - Văn hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố Bà Rịa ngày nay chính là trung tâm xứ Mô Xoài ngày xưa. Một vùng đất đã có hàng trăm năm lịch sử đấu tranh chống chọi với giặc ngoại xâm và thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Hôm nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vinh dự được đón tiếp các giáo sư, tiến sĩ; các nhà sử học; văn hóa học, khoa học xã hội – nhân văn; các nhà quản lý ở trung ương và địa phương, của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành bạn trên phạm vi cả nước về thành phố biển Vũng Tàu tươi đẹp để tìm hiểu, khám phá, công bố những công trình khoa học, nghiên cứu về xứ Mô Xoài xưa, Bà Rịa -Vũng Tàu nay.

Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ của miền Đông Nam bộ và Nam bộ; là tỉnh nằm trong vùng kinh tế động lực phía nam của Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; văn hóa – xã hội tiến bộ nhanh chóng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước và là tỉnh đóng góp nhiều vào ngân sách quốc gia. Để có một Bà Rịa – Vũng Tàu như hôm nay, điều đó không thể không nói đến sự bắt nguồn từ những ngày hôm qua. Bởi lịch sử là một dòng chảy liên tục: Qúa khứ - hiện tại và tương lai. Qúa khứ sẽ cắt nghĩa cho hiện tại và hiện tại lại dự báo cho tương lai. Chính vì điều đó, nên Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn luôn ghi nhớ, biết ơn và tự hào về những gì từ lịch sử các bậc tiền nhân đã xây đắp và để lại cho lớp lớp con cháu mai sau.

Trong quá khứ, đã có biết bao lớp cư dân người Việt trên con đường Nam tiến, dừng chân ở vùng đất này để khai khẩn, chinh phục, làm ăn, sinh sống. Họ không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt, mà thậm chí cả xương máu để biến vùng đất rộng lớn, hoang vu, heo hút thành những xóm làng trù phú, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những đơn vị hành chính đầu tiên, hun đúc nên những giá trị văn hóa bản địa. Và từ vùng đất Mô Xoài dần dần được mở rộng để hình thành cả một Nam bộ giàu đẹp, một đất nước Việt Nam được xác lập chủ quyền nối dài từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Những giá trị lịch sử vô giá đó phải được nghiên cứu, đúc kết, giữ gìn, lưu truyền, giáo dục và phát huy trong các thế hệ người Việt Nam nói chung, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.

Trong Hội thảo này, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, dựa trên các cứ liệu sử sách ông cha ghi chép để lại; dựa vào các dấu tích xứ Mô Xoài xưa về dân cư, kinh tế, văn hóa, nhân vật lịch sử, dấu tích khảo cổ, kiến trúc… để có những luận cứ khoa học đáng tin cậy khẳng định Mô Xoài là vùng đất vào thế kỷ XVII, các lưu dân người Việt ở vùng Thuận - Quảng vào khai khẩn, lập ra những xóm làng trên vùng địa đầu Nam bộ, mở ra trang sử khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam bộ ngày nay. Từ đó đánh giá chính xác vai trò, vị trí của xứ Mô Xoài trong tiến trình lịch sử Nam bộ nói riêng, lịch sử nước nhà nói chung; khẳng định những giá trị văn hóa của xứ Mô Xoài và những bài học rút ra từ quá trình lịch sử đó. Đồng thời đề xuất những giải pháp bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị lịch sử góp phần hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội hiện tại và tương lai.

Sau hội thảo, sớm có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ hiểu rõ về lịch sử xứ Mô Xoài, về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của mảnh đất này; từ đó tạo dựng niềm tự hào, tình yêu quê hương và sẵn sàng cống hiến vì quê hương, đất nước.

LÊ THANH DŨNG
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo)

Giáo sư, NGND Phan Huy Lê (đứng giữa) nghe báo cáo về khai quật khảo cổ học tại Giồng Lớn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu)

MÔ XOÀI LÀ ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA LƯU DÂN NGƯỜI VIỆT TRÊN CON ĐƯỜNG ĐI MỞ CÕI

Hội thảo khoa học “Từ xứ Mô Xoài xưa, đến Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay” là một hội thảo có quy mô lớn với sự tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nội dung hội thảo vừa tập trung vào vị thế, vai trò của Mô Xoài trong quá trình người Việt khai phá vùng đất Nam bộ, vừa mở rộng cả tiến trình ra đời, phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo tôi, đây là một hội thảo khoa học có ý nghĩa rất lớn trong nhận thức về các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Mô Xoài xưa và Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay, từ đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về lịch sử Nam bộ và lịch sử đất nước.

Đầu thế kỷ XVII, người Việt từ Đàng Trong di cư vào khai phá, tạo nên một sinh khí, một động lực mới cho sự bùng phát của Nam bộ. Người Việt cùng với các lớp cư dân đã có mặt ở đây đẩy nhanh quá trình khai khẩn, làm biến đổi diện mạo kinh tế, xã hội, văn hóa vùng Nam bộ. Mô Xoài là điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân người Việt trên con đường không phải “mang gươm đi mở nước” mà là “mang cày cuốc đi mở cõi”. Họ là những nông dân, bằng sức lao động, ý chí và nghị lực của mình, đi tìm những vùng đất hoang để khai khẩn, lập thành xóm làng mới bên cạnh cư dân đã sống tại đó. Mô Xoài “lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển”, là địa đầu của đất phương Nam, điều kiện giao thông thuận lợi để lưu dân người Việt làm đất đứng chân, khai hoang lập làng, xây dựng cơ sở đầu tiên trên con đường lập nghiệp mở mang bờ cõi.

Mô Xoài xưa, là thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay đã trãi qua gần bốn thế kỷ. Những dấu tích còn lưu lại trong những địa danh đã biến đổi như sông Mô Xoài hay sông Hương Phước tức sông Dinh, núi Mô Xoài hay núi Trấn Biên tức núi Dinh và một vài di tích như lũy Mô Xoài hay lũy Phước Tứ, ao Tắm Voi hay Bàu Thành. Một số đình, đền, chùa cùng kho tàng văn hóa dân gian của vùng trung tâm xứ Mô Xoài còn phản chiếu trong ký ức những dấu ấn của thời mở cõi. Đó là những di tích cần được bảo tồn và hy vọng trên vùng đất lịch sử này sớm dựng lên công trình tưởng niệm để tôn vinh, tri ân những người có công mở đầu sự nghiệp khai phá, mở cõi phương Nam của tổ tiên.

GS. NGND PHAN HUY LÊ
(Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

CHUYỂN TẢI NHỮNG KẾT QUẢ CỦA HỘI THẢO VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Theo tôi, có nhiều việc chúng ta phải làm để chuyển tải những kết quả của Hội thảo khoa học “Từ xứ Mô Xoài xưa, đến Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay” vào cuộc sống lao động, xây dựng, chiến đấu vì một quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu giàu đẹp. Việc đầu tiên là phải tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ tất cả những vấn đề lịch sử từ Mô Xoài xưa đến BR-VT ngày nay. Bởi chỉ một lần hội thảo không thể đề cập và giải quyết được tất cả những gì của lịch sử ở một vùng đất đã trãi qua gần 400 năm. Điều thứ hai là cần tuyên truyền, giáo dục lịch sử quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu từ thời Mô Xoài đến nay cho các tầng lớp nhân dân địa phương bằng nhiều con đường, nhiều hình thức khác nhau. Tôi đồng tình với nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng sớm đưa nội dung này vào môn Địa phương học để giảng dạy cho các em học sinh ở các trường phổ thông. Bởi thực tế, các tầng lớp nhân dân, trong đó kể cả cán bộ, công chức, viên chức nhiều người chưa biết, chưa hiểu về xứ Mô Xoài, chưa hiểu lịch sử, truyền thống của quê hương, nơi mình sinh sống, làm việc, cống hiến. Thứ ba, cần có giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, nên chăng phác họa một tượng đài tưởng niệm, hay đền thờ, toàn bộ quần thể công trình xem như một Khu lưu giữ ký ức để tri ân các bậc tiền nhân có công mở mang, khai phá vùng đất này. Điều cuối cùng, sắp tới kỷ niệm 390 năm và 400 năm của vùng đất địa đầu – xứ Mô Xoài, chúng ta cần có những hoạt động thiết thực, xứng tầm nhằm khơi dậy và phát huy tối đa sức mạnh truyền thống hào hùng của ông cha đã khai phá, mở mang, chinh phục, xây dựng và bảo vệ vùng đất giàu tiềm năng này để phục vụ cho sự nghiệp CNH – HĐH trên quê hương Bà Rịa –Vũng Tàu hôm nay.

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT)
 

16/5/12

17 KHOẢNG KHẮC MÙA XUÂN

ThS. KTS Mai Trung Hưng

Kính tặng Gíam đốc Nguyễn Hữu Mạnh nhân buổi chia tay về nghỉ hưu.

Nhân ngày họp mặt để liên hoan chia tay Ông Nguyễn Hữu Mạnh – Giám đốc Sở Xây dựng Tỉnh BR-VT – về nghĩ hưu. Tôi muốn gửi lời cám ơn đến Ông, có thể nói Ông là người đã nỗ lực và đi tiên phong trong việc tổ chức mở khóa đào tạo Thạc sỹ Kiến trúc sư đầu tiên của Tỉnh BR-VT. Chúc Ông có nhiều sức khỏe và hạnh phúc vui vẻ bên gia đình thân yêu. Xin cám ơn Ông!
 ThS. KTS Bùi Lễ Hòa Bình

Mười bảy năm tưởng dài sao ngắn thế
Anh về đây khi tuổi còn không trẻ
Tóc trên đầu hai mái hãy còn xanh
Thời gian trôi bên sự nghiệp song hành
Nay anh đã phơ phơ đầu bạc
Ngoảnh nhìn lại biết bao điều đổi khác
Lục tuần rồi, in dấu những nếp nhăn
Anh vẫn đêm đêm thao thức trở trăn
Bao tâm huyết vẫn còn đang dang dở
Cái ngày đó trong Anh còn ghi nhớ
Quy hoạch tỉnh nhà phác nét sơ khai
Kiến trúc mánh mun chưa có bản bài
Hạ tầng kém, cảnh quan bao nhếch nhác
Phố xá ngổn ngang, lở loang, rời rạc
Từ chốn thị thành về ngõ ngách xóm thôn
Anh chẳng bi quan mỏi gối chân chồn
Quên ngày tháng vùi đầu vào công việc
Anh dồn hết cả bầu nhiệt huyết
Giúp tỉnh nhà gầy dựng lại bức tranh
Và đến nay mộng ước đó đã thành
Những tác phẩm đong đầy dấu ấn
Vượt ghềnh thác qua đi bao thời vận
Quy hoạch bây giờ khởi sắc đổi thay

Thành thị, nông thôn phát triển từng ngày
Cả kiến trúc và hạ tầng cơ sở
Đổi thịt thay da, căng săn từng thớ
Những công trình bề thế khang trang
Phố xá thênh thênh thẳng lối ngay hàng
Xanh sạch đẹp, môi trường cải thiện
Là thành quả mười bảy năm cống hiến
Luôn đi đầu lĩnh ấn tiên phong
Dù nay chưa toại hết ước mong
Song có thể mỉm cười quay gót
Để trở về với hoa thơm trái ngọt
Với miệt vườn vui thú điền viên
Hòa quyện mình trong cảnh vật thiên nhiên
''Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau''
Việc dở dang có thế hệ tiếp sau
Tạm biệt nhé, anh về ngơi nghỉ
Và mang theo tấm lòng đồng chí
Cả khối tình nồng ấm thân thương
Anh về tình cảm vấn vương
Anh về để lại tấm gương cho đời
Chân anh ghi dấu muôn nơi
Công anh để lại bao người khắc ghi
Ơn anh bởi được vịn tì
Nhớ anh nhớ mãi những gì hôm nay!


Vũng Tàu 15/5/2012.

22/2/12

Lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình phát triển logistics tại CHLB Đức và Hà Lan

Trong các ngày từ 15 đến 26-2, Đoàn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, làm trưởng đoàn, đã thực hiện đợt khảo sát, tìm hiểu mô hình phát triển ngành dịch vụ logistics tại CHLB Đức và Hà Lan.

Lãnh đạo tỉnh BR-VT (bên phải) thăm và làm việc với các tập đoàn logistics của CHLB Đức. Ảnh: Mai Hoa

Tham gia đoàn công tác còn có các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Sanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và một số doanh nghiệp. Mục tiêu của đoàn nhằm tìm hiểu về công tác quy hoạch phát triển, tổ chức quản lý, khai thác ngành dịch vụ logistics của CHLB Đức và Hà Lan, các quốc gia có ngành dịch vụ logistics phát triển bậc nhất châu Âu, qua đó để hoàn thiện Đề án Phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh BR-VT giai đoạn 2011-2020.

Thông qua sự sắp xếp của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast), phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, Công ty Tư vấn Inros Lackner (Đức), Viện Kinh tế hàng hải và logistics Bremen, từ ngày 15 đến 17-2, Đoàn đã thăm và làm việc với hai chính quyền cảng và các nhà khai thác lớn nhất nước Đức tại Hamburg và Bremen; làm việc với 2 tập đoàn logistics là Kuhne+Nagel (tập đoàn logistics lớn thứ ba châu Âu) và Hellmann (lớn thứ 10 tại CHLB Đức); thăm và làm việc với tập đoàn khai thác cảng biển và logistics HHLA và thăm cảng container tự động Altenwerder; thăm Làng vận tải Bremen GVZ (làng vận tải lớn nhất nước Đức) và làm việc với Công ty kinh doanh phát triển Làng vận tải GVZE; làm việc với Công ty tư vấn Inros Lackner, Viện Kinh tế hàng hải và logistics Bremen ISL.

Trong 3 ngày làm việc liên tục với 9 đối tác cùng các buổi thảo luận sôi nổi đã mang lại cho đoàn một tầm nhìn toàn cảnh hơn về ngành dịch vụ logistics, cảng biển và mối liên quan mật thiết giữa hai ngành kinh tế này. Hạ tầng cơ sở kết nối giữa cảng biển, trung tâm logistics cũng như cơ chế đầu tư, quản lý cơ sở hạ tầng công cộng cảng biển và logistics.

Từ ngày 18 đến 26-2, Đoàn tiếp tục sang Hà Lan, một cường quốc về cảng biển với Rotterdam được xem là một trung tâm logistics ở châu Âu. Tại Hà Lan, theo kế hoạch, Đoàn sẽ làm việc với chính quyền cảng Rotterdam, Tập đoàn khai thác cảng biển APM Terminal, các tập đoàn logistics, Trung tâm logistics Maasvlakte 2, trường Đào tạo nhân lực ngành logistics của Tập đoàn STC...

VŨ NGỌC THẢO
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải

Festival cảng biển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tổ chức Festival cảng biển quốc tế lần thứ nhất năm 2012 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Dự kiến festival sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27 đến 29-4. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao ý thức trong nhân dân và tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cũng như vai trò và vị trí hàng đầu của ngành kinh tế biển đối với kinh tế, an ninh và quốc phòng của đất nước..

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức lễ hội bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả thiết thực và tuyệt đối an toàn. Kinh phí tổ chức lễ hội do đơn vị tổ chức đảm nhiệm, không sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

(Theo BRT)

Quy hoạch 202ha đất cho 4 khu chế biến hải sản

Sáng 15-2, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn về việc lựa chọn vị trí quy hoạch 4 khu chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
 
Công nghiệp chế biến thủy, hải sản là ngành sản xuất đóng góp chủ yếu cho sự phát triển công nghiệp. 
Ảnh: Q.K
 
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh xem xét 4 địa điểm để quy hoạch khu chế biến hải sản với tổng diện tích 202ha, cụ thể như sau:

Tại TP. Vũng Tàu: Khu vực gò Ông Sầm thuộc hợp phần Dự án rừng ngập mặn Phước Cơ (phường 12) với tổng diện tích khoảng 110ha. Khu vực này dành để tập trung 59 cơ sở chế biến thủy sản của TP. Vũng Tàu (khoảng 80ha), 17 cơ sở của huyện Tân Thành (khoảng 20ha) và 7 cơ sở của TX. Bà Rịa (5ha). Tại huyện Long Điền: Khu vực ấp An Thạnh (xã An Ngãi) với tổng diện tích khoảng 50ha, tập trung 68 cơ sở chế biến hải sản của huyện Long Điền (khoảng 45ha) và 5 cơ sở của huyện Tân Thành (5ha). Tại huyện Đất Đỏ: Khu vực nhà máy bột cá Lộc An (xã Lộc An) thuộc khu quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp của huyện, tập trung 11 cơ sở chế biến thủy sản các loại với tổng diện tích khoảng 22ha. Tại huyện Xuyên Mộc: Khu vực ấp Thèo Lèo (xã Bình Châu) thuộc khu quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp của huyện với 11 cơ sở chế biến thủy sản các loại, tổng diện tích khoảng 20ha.

Hội nghị đã thống nhất các địa điểm được lựa chọn trên đều phù hợp với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các địa phương, ít tác động xấu đến các ngành khác, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Dự kiến tổng chi phí đầu tư của dự án quy hoạch khu chế biến hải sản là khoảng 1.100 tỷ đồng, thời gian khởi công dự kiến vào khoảng tháng 7-2013.
 
(Báo BR-VT)

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
12345
Xuân về, thay mặt ban Quản trị Webblog The mester's Architecture Vũng Tàu kính chúc các Giáo sư Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Xây dựng cùng các anh chị em lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG